‘Phát minh cuối cùng’ – sách đặt câu hỏi về sự kết thúc của nhân loại
Tác phẩm bàn về viễn cảnh tối tăm của loài người trước thời đại robot siêu trí tuệ.
Theo từ điển Oxford, Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, viết tắt: AI) được xem là lý thuyết về sự phát triển của những hệ thống máy tính có khả năng thực hiện các công việc đòi hỏi trí thông minh của con người như nhận thức hình ảnh, nhận dạng giọng nói, ra quyết định, dịch thuật.
![]() |
Bìa sách “Phát minh cuối cùng”. |
Cuốn sách Phát minh cuối cùng (tác giả James Barrat) vừa ra mắt trong nước, tập hợp những ý kiến, lời phản biện và tranh luận của các cá nhân nghiên cứu về AI và sự an toàn của con người trước sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo. Liệu những sản phẩm thông minh nhân tạo có thể gây phương hại cho con người hay không khi từ trí tuệ nhân tạo, AI sẽ nâng cấp trở thành trí tuệ nhân tạo phổ quát AGI (artificial general intelligence) có cấp độ thông minh tăng lên hàng trăm lần chỉ trong vài ngày thậm chí vài giờ và cuối cùng là ASI (artificial super intelligence), siêu trí tuệ nhân tạo? Nếu những robot AI gây hại, nó sẽ gây hại ở mức nào, liệu loài người có thực sự bị diệt vong bởi chính phát minh của mình? Chưa có câu trả lời cho những câu hỏi trên, bởi ở thời điểm này người ta vẫn chưa phát minh ra AGI.
Theo tác giả James Barrat, nhân loại chỉ thật sự bắt đầu quan tâm đến trí thông minh nhân tạo là vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai với sự kiện máy Turing được nhà khoa học trẻ Alan Turing chế tạo. Nhưng phải đến cuối thế kỷ 20 trí tuệ nhân tạo mới thật sự bùng nổ. Chiếc máy tính gây chấn động thế giới vào thời điểm đó có tên là Deep Blue. Năm 1997 Deep Blue đã đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov bằng những ván cờ cân não. Sự kiện đó chứng tỏ máy tính thông minh hơn con người. Đến thế kỷ 21 trí tuệ nhân tạo đã cải tiến, nâng cấp lên hàng nghìn lần và len lỏi vào đời sống thường nhật của con người, nhất là từ khi sự phát triển Internet bùng nổ dẫn đến sự xuất hiện của Google, Facebook, điện thoại thông minh… AI đã trở thành một công cụ không thể thiếu với sự phát triển của nhân loại. AI có thể tham gia vào các ngành nghề quan trọng như chế tạo vũ khí, y học, phát triển năng lượng, thiên văn, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thậm chí là biểu diễn nghệ thuật.
Sách đặt ra vấn đề từ chỗ phục vụ lợi ích đời sống con người, một khi robot AI được nâng cấp như một con người là AGI, nhưng lại thông minh hơn con người, liệu con người có gặp nguy hiểm hay không khi chính AGI cũng có thể tự quyết, chủ động tham gia vào xã hội con người, sau đó chiếm ưu thế trước con người như cách chúng ta đã làm vậy với các loài động vật khác trước khi đứng đầu chuỗi thức ăn như bây giờ. Một số người cho rằng đó là điều đó khó tránh khỏi, trong số đó có nhà nghiên cứu trí thông minh máy tính, Eliezer Yudkowsky, nhận xét: “Ngoại trừ hậu quả của công nghệ nano, trong tất cả những loại thảm họa trên thế giới, không có gì sánh được với AGI”. Dù vậy, vẫn còn nhiều người chống lại dự đoán robot thông minh có thể làm hại con người. Tuy vậy, trong cuốn sách Phát minh cuối cùng, tác giả James Barrat không dẫn chứng nhiều về các ý kiến trên.
Ở một bối cảnh khác, AI hoàn toàn có thể bị sử dụng cho mục đích xấu của con người. Chủ tịch Viện nghiên cứu trí thông minh máy tính ở thung lũng Silicon Michael Vassar nhận định: “Những kẻ xấu thực sự muốn hủy diệt thế giới thường không giỏi việc đó. Anh biết đấy, loại người này thiếu những năng lực cần thiết trong việc lập kế hoạch để thực hiện bất kỳ chuyện gì”.
Qua cuốn sách độc giả có thể thấy với cuộc đua phát minh trí tuệ nhân tạo như hiện nay, một viễn cảnh không thật sự tốt đẹp cho loài người rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện tại con người vẫn không ngừng cải tiến AI và ra sức cho tham vọng nhân cách hóa AI nhằm mục đích cuối cùng là phục vụ nhân loại. Nhưng dù thế nào, sách vẫn đưa ra những lời cảnh báo về việc con người cần thận trọng với những phát minh của mình.
Hữu Nam
Nguồn: vnexpress